Thương mại điện tử 2011-2015: Phát triển chiều sâu
Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 được Cục TMĐT và CNTT
đặt ra với mục tiêu lớn hơn và tầm nhìn xa hơn dựa trên kết quả và kinh
nghiệm của giai đoạn trước.
Tiền đề thuận lợi
Đến cuối năm
2009, khung pháp lý về TMĐT đã được hoàn thiện: Luật Giao dịch điện tử
(2005) và Luật Công nghệ thông tin (2006), 7 nghị định hướng dẫn và
hàng loạt thông tư quy định chi tiết những vấn đề đặc thù của giao dịch
TMĐT. Bên cạnh đó, khung chế tài trong các lĩnh vực thương mại, CNTT
và Internet cũng dần được hoàn thiện với 3 nghị định về xử phạt hành
chính. Năm 2009 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Bộ luật Hình sự, thêm một số tội danh và nâng cao hình phạt tội
phạm công nghệ cao, trong đó có tội phạm TMĐT.
Các chủng loại
hàng hóa và dịch vụ TMĐT phổ biến hiện nay là: vé máy bay, hàng điện -
điện tử, đồ nội thất, điện thoại di động, máy tính, sách, tour du lịch,
đặt phòng khách sạn...Chính
sách về ứng dụng TMĐT trong mua sắm của Chính phủ cũng đã thành hình,
thông tin chào mời mua sắm công được công bố trên website của các bộ
ngành và UBND các tỉnh, thành phố. Các dịch vụ công trực tuyến đã phát
triển hiện nay có: Hải quan điện tử, khai thuế qua mạng và chứng thực
xuất xứ (C/O) điện tử. Ở cấp bộ ngành, 27 dịch vụ công trực tuyến đạt
mức độ 3 (cho phép điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ; mức độ 4
cho phép thanh toán trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua mạng). Ở cấp địa
phương, 38 địa phương triển khai cung cấp 748 dịch vụ công trực tuyến ở
mức độ 3 (dẫn đầu là An Giang và Đà Nẵng).
Kết quả khảo sát
3.400 DN trên cả nước của Bộ Công Thương năm 2010 cho thấy 60% doanh
nghiệp (DN) lớn đã tiến hành TMĐT B2B, trong đó 95% nhận đơn đặt hàng
qua các phương tiện TMĐT, 96% sử dụng thư điện tử trong kinh doanh. Đối
với DN vừa và nhỏ (SME), 80% DN hoạt động theo hình thức B2B (DN-DN)
hoặc B2C (DN-Người dùng). Hộ gia đình, cá nhân tham gia B2C hoặc C2C
chiếm 10%. Rất nhiều DN triển khai bán hàng trực tuyến, dẫn đầu là DN
ngành hàng không, du lịch, phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng...
Giao dịch TMĐT
hiện nay được thực hiện chủ yếu thông qua các website của DN, sàn giao
dịch TMĐT, mạng xã hội. Dịch vụ viễn thông di động cũng phát triển mạnh
và thu hút người dùng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy TMĐT trên điện
thoại di động.
Đặt mục tiêu lớn
Kế hoạch phát
triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 được Cục TMĐT và CNTT đặt ra với mục
tiêu lớn hơn và tầm nhìn xa hơn dựa trên kết quả và kinh nghiệm của
giai đoạn trước. Cụ thể như sau:
Với khối cơ quan
nhà nước, trước năm 2013, các dịch vụ công đạt mức độ 3 sẽ gồm: 80%
dịch vụ công như thủ tục hải quan điện tử, thuế, đăng ký kinh doanh -
đầu tư và xuất nhập khẩu (trong đó 40% xuất nhập khẩu đạt mức 4 vào năm
2015); 50% dịch vụ công sản xuất kinh doanh (trong đó 20% đạt mức độ 4
năm 2015).
Cả nước hiện có
77 cơ sở đào tạo TMĐT chính quy, 2 trường đại học chính quy thành lập
khoa TMĐT và 14 trường chính quy có môn TMĐT.Đối
với DN lớn, nâng tỉ lệ sử dụng thư điện tử lên 100%, 80% có website,
70% mua bán trên website TMĐT, 20% ứng dụng TMĐT trong quản trị DN...
Riêng DN vừa và nhỏ, tỉ lệ sử dụng thư điện tử phải đạt 100%, giao dịch
trên website TMĐT 30%...
Với người dùng,
vào năm 2015, sẽ hình thành các tiện ích hỗ trợ người dùng tham gia
B2C. Cụ thể là 70% siêu thị, trung tâm mua sắm áp dụng thanh toán không
dùng tiền mặt, 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông
và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện
tử. Mặt khác, 30% các cơ sở kinh doanh vận tải, văn hóa, thể thao, du
lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.
Với kế hoạch định
hướng cụ thể như trên, đến hết tháng 3/2011, trong số 63 tỉnh thành
trên cả nước, 34 tỉnh thành đã phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT
2011-2015, 17 địa phương đã xây dựng kế hoạch chờ phê duyệt và 12 địa
phương đang trong quá trình xây dựng.
Sẽ có thanh tra chuyên ngành
So với Kế hoạch
Phát triển TMĐT 2006-2010 (Quyết định 222/2005/QĐ-TTg), giai đoạn
2011-2015 (Quyết định 1073) có nhiều điểm khác biệt. Cụ thể: Về pháp
lý, QĐ 1073 tập trung xây dựng các quy định chi tiết, điều chỉnh những
vấn đề pháp lý TMĐT đặc thù, chi tiết so với việc xây dựng khung pháp
lý cơ bản (giai đoạn triển khai QĐ 222). Về tuyên truyền đào tạo, trước
đây, chủ yếu tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức TMĐT thì nay,
tập trung đào tạo chính quy tại các trường đại học và cao đẳng. Với
dịch vụ công trực tuyến, QĐ 222 mới dừng ở mức phác thảo các hoạt động
cần triển khai, QĐ 1073 sẽ đưa ra mục tiêu định lượng và các giải pháp
cụ thể khi triển khai. Về phát triển, ứng dụng công nghệ, đề ra các giải
pháp, hoạt động cần triển khai với từng công nghệ cụ thể.
Đặc biệt, về bộ
máy tổ chức quản lý nhà nước về TMĐT, trước đây chưa đề cập thì nay,
tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về TMĐT, bao gồm thành lập
thanh tra chuyên ngành, phân công cán bộ chuyên trách để tăng cường
năng lực quản lý nhà nước tại địa phương của các sở công thương.
Ý kiến người trong cuộc
Bà Lại Việt Anh,
Trưởng phòng Pháp chế Cục TMĐT
và CNTT Bộ Công Thương
Đang có nhiều cơ hội phát triển
TMĐT Việt Nam
đang đứng trước những điều kiện thuận lợi để phát triển, từ góc độ hạ
tầng công nghệ, nền tảng pháp lý và nhận thức của xã hội. Những khó
khăn kinh tế hiện thời cũng là cơ hội cho TMĐT. Để tồn tại, DN phải xem
xét ứng dụng các phương thức kinh doanh mới, tối ưu về chi phí như
TMĐT. TMĐT đã sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển chiều sâu với
những ứng dụng chuyên ngành phù hợp nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Người tiêu dùng
cũng đã quen với các ứng dụng trên nền di động và Internet cùng sự phát
triển mạnh mẽ của các website mua bán, diễn đàn, mạng xã hội và các
dịch vụ nội dung cho điện thoại di động.
Để tăng cường
hiệu lực của hệ thống pháp luật, tạo môi trường lành mạnh và an toàn
cho TMĐT phát triển, các cơ quan nhà nước cần đánh giá và tìm giải pháp
cho những vấn đề tồn đọng hiện nay, gồm:
Nguồn nhân lực
quản lý và ứng dụng TMĐT ở cả DN cũng như cơ quan nhà nước còn thiếu và
yếu, đào tạo chính quy về TMĐT chưa theo kịp nhu cầu.
Vấn đề an ninh mạng đang tạo ra lực cản tâm lý lớn cho các ứng dụng TMĐT trong xã hội.
Công tác tổ
chức, thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế. Nguồn lực (NL) giám sát
mỏng, tần suất các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thấp,
hiệu quả chưa cao, chưa có cơ chế giám sát trực tuyến các hoạt động trên
môi trường điện tử. Nhiều quy định về mức xử phạt đối với các hành vi
vi phạm trong lĩnh vực TMĐT chưa đủ mạnh để răn đe, tạo ra sự tuân thủ
tốt trong xã hội.
Ông Hà Ngọc Sơn,
Phó Phòng Kỹ thuật An toàn Môi trường,
Sở Công Thương TP.HCM, thành viên Chương trình Phát triển TMĐT TP.HCM
“Chạy” theo doanh nghiệp…
TP.HCM lấy các chỉ tiêu trong Quyết định 1073 làm mức tối thiểu để phấn
đấu trong 5 năm tới, và được điều chỉnh cụ thể trong quá trình triển
khai cho phù hợp với thực tế. Thành phố còn đề ra một số chỉ tiêu
riêng, chủ yếu là chỉ tiêu về nguồn nhân lực trong quản lý nhà nước và
hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT. Dự
kiến 6 nhóm giải pháp sẽ được TP.HCM triển khai, từ tuyên truyền, hỗ
trợ DN đào tạo NL, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đến nâng cao
năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước. Trong đó, “tuyên truyền và
bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện TMĐT” tiếp tục là nhóm giải pháp
quan trọng hàng đầu.
Ngoài ra là nhiều
chương trình nhánh về tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN,
người dùng sử dụng TMĐT. TMĐT thành phố đang bị “thắt nút cổ chai” ở 2
giai đoạn: ký kết hợp đồng và thanh toán trực tuyến. Giải pháp chính dự
kiến là sử dụng chữ ký số và đa dạng các loại hình, phương thức thanh
toán trực tuyến. Thời gian qua, hai công cụ trên đã được một số DN
triển khai nhưng mức độ hiệu quả, tính phổ biến vẫn còn hạn chế, đặc
biệt là chữ ký số. Đây sẽ là nội dung trọng tâm của kế hoạch phát triển
TMĐT TP.HCM trong thời gian tới.
Bài học kinh
nghiệm giai đoạn 2008 – 2010 cho thấy, phương thức triển khai kế hoạch
phát triển TMĐT không thể cứng nhắc, thụ động như trước. Cơ quan triển
khai phía nhà nước đôi khi phải “chạy theo” DN, phải nắm được nhu cầu,
xu hướng ứng dụng TMĐT của DN để đưa vào nội dung từng chương trình cụ
thể. Phát triển TMĐT thực chất là chương trình “Nhà nước và nhân dân
cùng làm”. Ýtưởng, nội dung, ngân sách Nhà nước đầu tư cho kế hoạch phát
triển TMĐT chỉ mang tính chất khơi gợi vấn đề cho DN; lợi ích sau cùng
của chương trình là lợi ích dành cho DN và khách hàng của DN.
Bà Võ Thị Thanh Nguyệt,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thế Giới Trực Tuyến (www.thegioitructuyen.vn )
Còn những điều chúng ta chưa biết...
Ứng dụng
Internet nói chung và TMĐT nói riêng tại Việt Nam chưa được khai thác
triệt để mà chúng ta chỉ lướt trên bề mặt của các mặt tiến bộ này.
Những DN làm TMĐT như chúng tôi chưa thấy được sự hoạch định vĩ mô, chưa
có chỉ tiêu doanh thu rõ ràng mà chỉ mới tự tìm hiểu. Ví dụ: doanh thu
năm nay về TMĐT của thế giới là 680 tỷ USD, châu Á Thái Bình Dương dự
kiến đạt 168 tỷ USD, thì Việt Nam là bao nhiêu?!
So với nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác ứng dụng Internet không
sợ cạn kiệt, mà càng khai thác càng có ứng dụng phong phú và đa dạng
hơn. Hiện nay, chúng ta đã hình thành nhận thức. Địa phương nào cũng
biết Internet, biết các công cụ tìm kiếm, ai cũng thấy lợi ích của
nguồn tài nguyên khổng lồ này, các nước đang muốn biến nó cho quốc gia
mình. Chúng
ta cũng nhận thấy những khuyết điểm của mình. Dù hành động chậm, nhưng
Chính phủ cũng đã tìm hiểu TMĐT vào thập niên 90 và ban hành Kế hoạch
2006 – 2010 cho TMĐT và mới đây là giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên,
chúng ta chưa nhận ra những điều chúng ta chưa biết! Cụ thể như sau:
Nguồn nhân lực được đào tạo: 99%
nhân sự tôi phỏng vấn cho là mình biết Internet, biết tìm kiếm trên
Google, nhưng chưa đến 5% biết các thủ thuật tìm kiếm hiệu quả như sử
dụng kết hợp các loại dấu (“+”,“-”, “*”...), định nghĩa từ tìm kiếm
(Define) hoặc tìm kiếm theo định dạng tập tin (filetype).
Website thiếu cập nhật: Nhiều website 1 năm chưa cập nhật thông tin, hay hệ thống báo cáo không kịp thời.
DN TMĐT chưa quan tâm đến công nghệ mới. Trong
khi đó mua sắm bằng điện thoại di động là xu hướng mới sẽ nhanh chóng
phát triển. Ebay đã cho biết rằng hơn nửa khách hàng thường xuyên của
họ sử dụng điện thoại để mua hàng trên 100USD (2,6 triệu đồng), và đã
có khách hàng mua xe Mercedes 240.000 USD (6,24 tỉ đồng). Và Việt Nam
cũng không ngoài xu hướng này.
Khó khăn về vốn.
DN TMĐT càng khó khăn hơn vì thường ngân hàng quan tâm đến tài sản thế
chấp hữu hình, trong khi TMĐT thì chỉ có nguồn dịch vụ và tài sản vô
hình.
Ông Lê Trịnh Bài, TP Thanh Hóa
Quan tâm đến uy tín người bán
Tôi là công chức
và khá bận rộn. Tôi thường xuyên vào mạng tham khảo giá cả hàng hóa
khi dự định mua bán. Rất nhiều lần tôi đặt mua sách qua mạng của
Vinabook.com hay mua quà tặng, quần áo … trên Enbac và các trang mua
bán khác.
Mua bán trên
mạng, tôi tha hồ lựa chọn chủng loại hàng hóa, giá cả… mà không sợ bị
bắt chẹt giá cả hay bị phàn nàn khi không mua hàng. Tuy nhiên, một lần
mua hàng vào dịp Tết tại trên một website, tôi đã phải đợi rất lâu mà
không nhận được hàng, cũng không thấy ai liên lạc. Khi nhận được hàng
thì cảm giác như bị lừa, vì hàng hóa không như mình mong đợi về giá cả
và chất lượng…
Tôi thấy cần
phải có trang web chuyên về mua bán uy tín và có sự bảo hộ, cam kết về
chất lượng chủng loại hàng hóa cũng như uy tín của người bán.
Trần Thạch Uyển Nhi,
TPHCM Cải thiện khâu giao hàng,
Tôi thường vào
một số trang web mua bán đồ điện tử như: vatgia.vn, dienmaycholon.vn...
để khảo sát giá và chọn mua... Ưu điểm của các trang web này là đa
dạng chủng loại, giá cả, có mục tìm kiếm nâng cao dễ sử dụng và chuyên
mục hỏi đáp hay đánh giá sản phẩm. Ngoài ra các trang mua bán theo nhóm
tuy mới xuất hiện nhưng khá thú vị.
Tôi thấy, nhược
điểm chung của các website TMĐT nằm ở khâu giao hàng. Người mua hàng
trực tuyến thường gặp bất tiện ở chỗ phải sắp xếp thời gian đợi nhận
hàng được giao đến, trong khi họ lại không tới đúng giờ. Tôi phải tới
tận cửa hàng để lấy.
DN TMĐT cần khắc
phục về thời gian giao hàng và thái độ làm việc của nhân viên giao
hàng, thông tin về sản phẩm càng chi tiết càng tốt và sản phẩm thực tế
cần phải đúng nguyên mẫu như trên web.
Đại Nguyên - Quỳnh Trang
Nguồn: PCworld.com.vn
Thứ Tư, 31/08/2011 17:09 (GMT+7)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét